10 bài học quan trọng tôi đúc kết được ở tuổi 36

Hôm nay, ngày 8/12/2024, Hà Nội đang chuyển mình trong tiết trời se lạnh.

Cách đây một tháng, tôi vừa bước sang tuổi 36.

Đã 12 năm kể từ khi rời ghế nhà trường, tôi bắt đầu hành trình trưởng thành với biết bao thử thách và đổi thay. Từ một sinh viên đầy hoang mang, mất định hướng, tôi đã nỗ lực học hỏi và trải nghiệm để xây dựng cho mình một cuộc sống “tạm ổn” như hôm nay — ổn định hơn, bình yên hơn với công việc tự do đặc biệt là tràn ngập yêu thương bên gia đình nhỏ.

Bài viết này, tôi muốn chia sẻ với bạn 10 bài học lớn nhất mà tôi đã tích lũy được trong 12 năm qua. Đây không chỉ là cách để tôi nhìn lại hành trình đã qua mà còn là hy vọng có thể mang lại chút giá trị hoặc cảm hứng cho bạn — nếu bạn tình cờ đọc được những dòng này.

Bắt đầu thôi…

1. Dám nghĩ dám làm

Năm đầu tiên thi đại học, tôi bị trượt. Khi nhận được giấy trúng tuyển cao đẳng, tôi đã từ chối. Thay vào đó, tôi quyết định vào Sài Gòn làm công nhân và dành thời gian ôn luyện để thi lại đại học.

Nhờ quyết định đó, năm sau tôi đỗ vào Đại học Huế, ngành Toán Tin ứng dụng – đúng chuyên ngành mà tôi yêu thích.

Ra trường với tấm bằng cử nhân trong tay, tôi hăm hở đi xin việc. Nhưng thực tế không như mơ, hơn 10 công ty ở Huế từ chối tôi chỉ vì “thiếu kỹ năng thực tế”.

Bế tắc suốt 2 tháng, tôi quyết định mạnh dạn nhờ bố mẹ vay 12 triệu đồng để ra Hà Nội học lập trình web từ một người có kinh nghiệm.

Một mình rời quê(Quảng Trị) lên tàu ra Hà Nội. Ở thành phố xa lạ, không người quen, không người thân, không bạn bè tôi tập trung toàn bộ thời gian để học và thực hành từ 12 đến 16 giờ mỗi ngày.

Nhờ vậy, chỉ sau hơn 2 tháng, tôi đã phát triển được kỹ năng và có được công việc đầu tiên.

Làm việc được khoảng 6 tháng, tôi nhận ra nếu muốn phát triển hơn, mình cần một môi trường tốt hơn. Thế là tôi quyết định nghỉ việc để tìm cơ hội mới.

Chính nhờ thay đổi đó đã giúp tôi có được công việc thu nhập cao hơn, có cơ hội để phát huy năng lực, nhiệt huyết trong công việc mà tôi có.

Sau này, tôi lại có một quyết định táo bạo hơn: rời bỏ công việc ổn định, ngày làm 8 tiếng, tuần làm 7 ngày, để bước ra khởi nghiệp đào tạo lập trình web.

Đó là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi.

Dó là quyết định đã giúp tôi hỗ trợ đồng hành cùng ~4000 bạn trẻ đã phát triển kỹ năng lập trình web và có thu nhập 8-30tr/tháng(hầu hết họ là sinh viên tại các trường đại học Việt Nam và các du học sinh ở nước ngoài)

Giờ nhìn lại, tôi thật sự biết ơn những quyết định “dám nghĩ dám làm” đó. Nếu ngày ấy tôi cứ mãi sợ hãi và chọn cách ở lại vùng an toàn, có lẽ giờ đây tôi chỉ là một nhân viên bình thường trong một công ty lập trình nào đó.

Nhờ sự liều lĩnh và nỗ lực, giờ đây tôi đã làm chủ được cuộc sống của mình. Tôi có tự do để làm những điều mình muốn và nhiều thời gian hơn dành cho gia đình.

“Nếu làm theo cách cũ không thể có kết quả mới”

2. Chấp nhận sự cô đơn

Có một điều tôi nhận ra rõ ràng: càng trưởng thành, bạn bè dường như càng ít đi.

Trước đây, khi còn làm công ty, mỗi tuần tôi thường có 1-2 buổi tụ tập ăn uống, nhậu nhẹt với bạn xóm trọ, rồi đồng nghiệp. Những câu chuyện phiếm cứ thế … mà không cò hồi kết. Sáng hôm sau đi làm người mệt nhoài uể oải và kéo dài thêm vài hôm sau đó.

Nhưng rồi, mọi thứ thay đổi khi tôi quyết định nghỉ việc để khởi nghiệp. Lúc đó, không ít người hoài nghi, thậm chí cho rằng tôi thật “điên rồi”.

Sau đó, tôi phải dồn toàn bộ thời gian và tâm sức vào việc kiếm đủ tiền để duy trì cuộc sống. Những buổi gặp gỡ với bạn bè cũ cũng thưa dần. Dần dần, chúng tôi hiếm khi gặp lại nhau, bởi mỗi lần trò chuyện, tôi nhận ra giá trị sống và mục tiêu của chúng tôi đã không còn đồng điệu.

Tôi nhớ những đêm làm việc đến 1-2 giờ sáng. Trong căn phòng tối om, chỉ có ánh sáng từ màn hình máy tính hắt lên khuôn mặt, mọi thứ tĩnh lặng lạ thường ngoài tiếng gõ bàn phím lách cách.

Những lúc đó, tôi hoàn toàn chìm trong sự im lặng, một mình với công việc: tạo sản phẩm số, hỗ trợ học viên, chạy các chiến dịch quảng cáo…

Cô đơn có buồn không?

Thú thật, đôi lúc tôi cũng cảm thấy chạnh lòng.

Nhưng khi nhìn lại, tôi thấy sự phát triển của bản thân, chất lượng cuộc sống của gia đình ngày một tốt hơn, và quan trọng nhất là công việc của tôi đã giúp nhiều người có được những cơ hội mới.

Với tôi, sự cô đơn không phải là điều đáng sợ. Tôi chấp nhận nó, xem nó như cái giá phải trả để có được những bước tiến xa hơn trong cuộc đời.

Và đến giờ, tôi chưa từng hối hận vì điều đó.

3. Nghĩ cho người khác

Thú thật, trước đây tôi thuộc kiểu người sống vì bản thân là chính.

Tôi không phải là người gây ảnh hưởng hay làm hại đến quyền lợi của ai, nhưng nói về việc sẵn sàng “cho đi” thì gần như rất ít.

Mọi nỗ lực, mọi mục tiêu, tôi đều đặt trọng tâm vào chính mình.

Mọi thứ bắt đầu thay đổi khi tôi rời công ty và bước chân vào con đường kinh doanh. Để có được sự ủng hộ từ khách hàng, tôi buộc phải học cách thấu hiểu họ.

Tôi bắt đầu suy nghĩ về nhu cầu, mong muốn và khó khăn của những người mà tôi phục vụ. Và quan trọng hơn, tôi học cách “cho đi” trước khi mong đợi nhận lại.

Tôi bắt đầu chia sẻ kiến thức, giúp đỡ người khác giải quyết vấn đề của họ mà không tính toán. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng nếu giúp đỡ được ai đó, họ sẽ nhớ đến mình.

Nhưng rồi tôi nhận ra một điều kỳ diệu: khi cho đi, tôi không mất gì cả, mà ngược lại, tôi nhận về rất nhiều – sự tin tưởng, sự kết nối, và cả những cơ hội mới.

Nhờ thay đổi tư duy, đến nay, hơn 4.000 người đã tin tưởng và mua sản phẩm của tôi trên internet. Điều này không chỉ mang lại thu nhập, mà còn giúp tôi xây dựng được những mối quan hệ giá trị và ý nghĩa hơn trong công việc lẫn cuộc sống.

Tôi học được rằng, khi bạn nghĩ cho người khác, giá trị sẽ tự nhiên quay lại với bạn – đôi khi còn nhiều hơn cả những gì bạn mong đợi.

4. Sẵn sàng học kỹ năng mới

Trước đây, tôi từng nghĩ rằng học xong đại học là chỉ cần tập trung làm việc chăm chỉ, thế là đủ. Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác.

Để tạo ra những sản phẩm tốt hơn, nâng cao chất lượng công việc, tôi nhận ra mình phải liên tục học hỏi và bổ sung kỹ năng mới.

Những ngày đầu kinh doanh, khi khách hàng còn khan hiếm, tôi bắt đầu tìm hiểu và học về marketing cũng như nghệ thuật bán hàng.

Công việc yêu cầu sử dụng tiếng Anh nhiều hơn, tôi lại tìm kiếm tài liệu, cài app luyện tiếng Anh hàng ngày.

Khi cần xây dựng nội dung, tôi học cách chỉnh sửa video, làm quen với việc nói trước ống kính.

Để tạo banner quảng cáo, tôi tự mày mò các phần mềm thiết kế như Photoshop, Figma và gần đây cả Canva.

Thấy nhiều người đạt được thành công nhờ SEO website và chạy quảng cáo, tôi cũng dành thời gian nghiên cứu, học hỏi, và áp dụng.

Để viết những trang bán hàng tốt hơn, tôi tập trung tìm hiểu tâm lý khách hàng và cách thuyết phục trong kinh doanh và đặc biết là kỹ năng copywriting.

Nếu nhìn lại, có lẽ tôi đã học thêm hàng chục kỹ năng mới trong hơn 10 năm qua.

Nhờ internet, việc tiếp cận kiến thức trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Cứ mỗi khi tôi học thêm một kỹ năng, công việc lại trở nên hiệu quả hơn.

Thực ra, việc học kỹ năng mới không phải là điều gì quá khó khăn. Nó phát sinh một cách tự nhiên trong quá trình làm việc. Cần gì, tôi học đó và áp dụng ngay lập tức.

Không ngại học hỏi chính là yếu tố đã giúp tôi phát triển và trở thành một phiên bản tốt hơn qua thời gian.

5. Tiếng anh là chìa khóa

Gần đây tình cờ check mail tôi nhận ra một điều bất ngờ: hơn 90% email gửi đến là từ các chuyên gia nước ngoài trong những lĩnh vực tôi quan tâm.

Kênh YouTube cũng vậy, 99% những kênh tôi theo dõi đều là của người nước ngoài.

Hằng ngày, tôi đọc email, xem video, và tìm hiểu kiến thức qua blog của các chuyên gia quốc tế. Thậm chí, tôi còn bỏ tiền để học trực tiếp từ những chuyên gia đến từ khắp nơi trên thế giới mà tôi chưa từng gặp mặt.

Chính nhờ tiếng Anh, tôi đã có cơ hội học hỏi từ những người giỏi nhất trên thế giới, cập nhật những kiến thức tiên tiến mà nếu chỉ giới hạn trong tiếng Việt, tôi khó mà tiếp cận được.

Nhưng phải nói thật, khi ra trường, tiếng Anh của tôi chỉ đủ để bập bẹ vài câu cơ bản, cộng thêm một “núi” ngữ pháp trong đầu. Qua thời gian, khả năng ấy dần mai một.

Mọi thứ thay đổi khi tôi nhận ra rằng, tiếng Anh không chỉ là một kỹ năng – nó là cánh cửa dẫn đến những cơ hội lớn hơn. Mỗi lần dùng tiếng Anh để học một điều gì mới, tôi lại càng hiểu rõ hơn tầm quan trọng của nó.

Nhiều phụ huynh từng hỏi tôi rằng, con họ nên học ngành gì để dễ xin việc sau này. Câu trả lời của tôi luôn là: hãy đầu tư vào tiếng Anh trước tiên.

Trong một thế giới thay đổi nhanh chóng, chỉ cần giỏi tiếng Anh và có khả năng tự học, bạn sẽ thích nghi và phát triển ở bất kỳ ngành nghề nào.

Đến giờ, tôi vẫn duy trì việc luyện tập tiếng Anh mỗi ngày, chủ yếu rèn kỹ năng nghe. Bởi với tôi, tiếng Anh không chỉ là một chìa khóa, mà còn là công cụ giúp tôi mở ra những cánh cửa mới trên hành trình phát triển bản thân.

6. Biết marketing và bán hàng

Trước khi đưa ra quyết định nghỉ việc, tôi tình cờ đọc cuốn sách Dạy Con Làm Giàu của Robert Kiyosaki. Một ý trong cuốn sách đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều: trong kim tứ đồ, muốn phát triển cuộc sống, bạn cần phải biết kinh doanh.

Sau này, khi vận hành công việc kinh doanh của mình, tôi mới thực sự hiểu sâu sắc điều này. Dù sản phẩm bạn làm ra có tốt đến đâu, nếu không biết cách marketing và bán hàng, sẽ chẳng ai biết đến và bạn cũng khó mà tạo ra doanh số, chứ chưa nói đến lợi nhuận.

Thời gian đầu, tôi gặp không ít khó khăn vì thiếu khách hàng. Nhưng rồi tôi nhận ra, muốn thay đổi tình thế, tôi cần học cách tiếp cận khách hàng. Từng bước, tôi đầu tư thời gian và công sức để học hỏi về marketing – từ chiến lược đến các phương pháp triển khai hiệu quả. Tôi cũng tìm hiểu cách xây dựng những hệ thống bán hàng có khả năng chuyển đổi cao.

Càng học, càng áp dụng, tôi càng thấy rõ tác dụng: số lượng khách hàng tăng lên, và công việc kinh doanh bắt đầu khởi sắc.

Nếu bạn quyết định kinh doanh hoặc làm việc tự do, thì marketing và bán hàng chính là kỹ năng số một cần phải nắm vững. Thiếu kỹ năng này, khả năng bạn “chết đói” là rất cao – dù sản phẩm hay dịch vụ của bạn có tốt đến đâu.

7. Chọn là người thay đổi trước

Năm 2016, tôi lập gia đình.

Thời gian đầu, cuộc sống vợ chồng tràn ngập màu hồng. Nhưng rồi, cảm xúc ấy dần nhạt đi khi cả hai lao vào công việc, đối mặt với áp lực cơm áo gạo tiền.

Chúng tôi nhận ra, quan điểm sống của mình quá khác biệt. Mỗi lần thảo luận về vấn đề gì, chỉ cần vài ba câu không đồng ý là thành cãi nhau.

Không khí trong nhà dần trở nên ngột ngạt, và cả hai đều cảm thấy mệt mỏi.

Năm 2017, tôi bắt đầu đầu tư vào phát triển bản thân. Trong một khóa học, người thầy ở trên sân khấu đang coach cho một cặp đôi đang muốn ly hôn, câu hỏi vang lên:

“Bạn chọn đúng hay chọn hạnh phúc?

Câu nói đó như một hồi chuông thức tỉnh tôi.

Tôi nghĩ lại những cuộc tranh cãi với vợ. Tất cả căng thẳng đều bắt nguồn từ việc cả hai đều muốn bảo vệ quan điểm của mình, đều muốn mình “đúng”.

Sau khóa học, tôi quyết định thay đổi trước.

Tôi lùi lại, lắng nghe nhiều hơn để hiểu vợ đang nghĩ gì, muốn gì.

Tôi học cách bớt gay gắt, bớt bảo vệ cái tôi của mình. Thay vào đó, tôi quan tâm hơn, hành động nhiều hơn để chứng minh những quyết định của mình thay vì chỉ nói suông.

Điều kỳ diệu đã xảy ra: khi tôi thay đổi, cô ấy cũng thay đổi. Những cuộc cãi vã giảm đi, thay vào đó là những cuộc trò chuyện tử tế hơn. Chúng tôi dần yêu thương và nghĩ cho nhau nhiều hơn.

Giờ đây, nhìn lại, tôi thực sự hạnh phúc khi nghĩ về người vợ của mình. Gia đình với tôi không chỉ là nơi để trở về mà còn là nguồn động lực lớn nhất để tôi vượt qua những thử thách trong cuộc sống.

Với tôi gia đình chính là gốc rễ của hạnh phúc.

8. Có sức khỏe là có tất cả

Có lần đưa ba mẹ đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai, tôi bị sốc khi thấy thông tin mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hơn 14.000 bệnh nhân.

Bên trong, đủ mọi lứa tuổi chen chúc từ trẻ đến già. Ai cũng cầm trên tay tập hồ sơ khám bệnh, ánh mắt lo lắng, khẩn trương.

Tôi nhận ra rằng, sức khỏe thực sự là điều quan trọng nhất, bởi những người bệnh kia sẵn sàng bỏ ra mọi khoản tiền họ có chỉ để mong “mua” lại sức khỏe.

Tôi chợt nghĩ: “Nếu mình dùng sức khỏe để đổi lấy tiền, đến một lúc nào đó, mình sẽ phải dùng rất nhiều tiền mà cũng không thể mua lại sức khỏe.”

Nhận ra điều đó, tôi bắt đầu chú ý hơn đến việc chăm sóc bản thân. Tôi ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc, và quyết tâm xây dựng thói quen thể thao.

Tôi tập chạy bộ, tham gia câu lạc bộ cầu lông để vừa vận động rèn luyện sức khỏe, vừa giải tỏa căng thẳng sau những giờ làm việc.

Đến nay, tôi đã hoàn thành 4 lần giải chạy full marathon với cự ly 42.195km. Mỗi lần cán đích là một cảm giác tự hào và năng lượng tích cực tràn đầy khi rèn luyện bản thân vượt qua chính mình.

Sức khỏe tốt đã giúp tôi có thêm năng lượng để cống hiến cho công việc, chăm sóc gia đình, và tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn hơn.

Với tôi, sức khỏe chính là nền tảng để làm được mọi thứ.

9. Không bỏ cuộc

Nếu tự đánh giá bản thân, tôi nghĩ điểm mạnh lớn nhất của mình chính là tinh thần “kiên trì, không bỏ cuộc”.

Khi học năm 2 đại học, tôi tình cờ đọc được cuốn sách “Không bao giờ là thất bại, tất cả chỉ là thử thách”. Một câu chuyện trong sách đã khiến tôi rất ấn tượng và mãi không quên.

Câu chuyện kể về một cậu bé xuất thân từ vùng quê nghèo khó. Để có thể rời bỏ quê hương và lên thành phố học tập, cậu đã liều lĩnh ăn cắp tiền từ nhà để có đủ lộ phí. Hành trình vượt đường rừng đầy gian nan không chỉ thử thách thể chất mà còn đẩy tinh thần cậu tới giới hạn.

Dù gặp vô vàn khó khăn, bị gia đình phản đối và cha mẹ nhiều lần tìm cách đưa cậu trở về, nhưng cậu vẫn không từ bỏ. Với tinh thần kiên định và không bao giờ lùi bước trước thử thách, cậu tiếp tục học tập và phát triển sự nghiệp.

Sau bao nỗ lực không ngừng, cậu bé ấy cuối cùng đã trở thành Chủ tịch tập đoàn Hyundai nổi tiếng – một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới.

Câu chuyện này là nguồn cảm hứng lớn với tôi. Nó nhắc nhở tôi rằng, dù khó khăn đến đâu, nếu kiên trì và không bỏ cuộc, chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua mọi thử thách và đạt được những điều lớn lao.

Hành trình ấy khiến tôi nhận ra một điều quan trọng: Những người thành công cũng phải đối mặt với khó khăn, thậm chí còn lớn hơn rất nhiều so với những gì chúng ta đang trải qua. Nhưng thay vì đầu hàng, họ chọn cách đối mặt và bước tiếp.

Tôi tự nhắc nhở mình rằng: “Nếu bản thân không bỏ cuộc, thì mình vẫn còn cơ hội để vượt qua mọi khó khăn.”

Chính tinh thần ấy đã giúp tôi xây dựng được sự uy tín trong công việc và kiên định theo đuổi mục tiêu.

Sau hơn 10 năm, từ những ngày luôn thấp thỏm lo lắng sẽ bị chủ nhà yêu cầu trả lại phòng trọ, nay tôi và gia đình đã tự tay mua được căn hộ của riêng mình.

Đó là kết quả của một hành trình dài không ngừng cố gắng, không ngừng tiến lên dù phải đối mặt với biết bao thử thách.

Đôi khi, thành công không đòi hỏi phải đi nhanh, mà quan trọng là không bao giờ dừng lại.

10. Học theo lời phật dạy

Cuộc sống ngày càng áp lực. Đôi khi, chúng ta quá tải, lao vào công việc và giải quyết các khó khăn trong cuộc sống gia đình.

Có nhiều thời điểm, tôi rơi vào tình trạng suy nghĩ quá nhiều (overthinking) và stress nặng.

Cho đến một ngày, tôi tình cờ biết đến thiền sư Thích Nhất Hạnh qua các cuốn sách và những bài chia sẻ trên YouTube. Những thông điệp ấy như một liều thuốc tinh thần, giúp tôi dần buông xuống những lo toan và suy nghĩ nặng nề trong tâm trí.

Dần dần, tôi tìm hiểu về thiền định và chánh niệm — sống trong hiện tại và ý thức từng khoảnh khắc.

Nghe những bài thuyết pháp, tôi nhận ra rằng việc áp dụng những lời Phật dạy vào cuộc sống không chỉ giúp phát triển bản thân mà còn giúp “chữa lành” tâm trí.

Trong cuộc sống bộn bề và đầy tranh đua, việc lắng lại, nhìn vào bên trong và thấu hiểu bản thân là cách tuyệt vời để tìm lại sự bình an. Khi tâm mình an lành, chúng ta mới có thể mang năng lượng tích cực đến với những người thân yêu và cả những người ta gặp trong cuộc sống và công việc.

Sẽ không đủ thời gian để chia sẻ hết những bài học và trải nghiệm trong hơn 10 năm qua, nhưng những điều trên đây là những bài học quý giá nhất với tôi. Nếu tôi biết đến những thông điệp này sớm hơn, chắc hẳn cuộc sống của mình sẽ còn nhiều điều tốt đẹp hơn.

Bạn có những bài học hoặc câu chuyện nào từ hành trình của mình?

Nếu có, tôi rất mong được nghe câu chuyện của bạn. Hãy chia sẻ nó trong phần bình luận bên dưới nhé!

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc những dòng chia sẻ này. Hy vọng chúng sẽ là một lời nhắc nhở và động viên bạn trên hành trình của riêng mình.

Hẹn gặp lại!

Cương

Phan Văn Cương
Phan Văn Cương
Articles: 8

Leave a Reply